Website này được hình thành như thế nào?

"Tôi online, nên tôi tồn tại"

– Hiếu Phẩy

Vì sao tạo ra một cái blog?

Tôi đã làm nghiên cứu được hai năm, kể từ khoảng sau khi tốt nghiệp đại học. Thời đại học, tôi đã định sẽ theo đuổi món khoa học dữ liệu chứ không phải nghiên cứu kinh tế học. Vì vậy, tôi bước vào thế giới kinh tế học hàn lâm với kha khá nền tảng về lập trình toán và thống kê, chút kiến thức kinh tế học còn sót lại từ đại học, và hoàn toàn không biết gì về phương pháp nghiên cứu Thời đại học tôi học hành cũng không được tập trung cho lắm. .

Tôi luôn hứng thú với việc tạo ra một cái gì đó, từ đầu đến cuối. Khi nghĩ theo cách đó, cái nghề nghiên cứu thực ra khá thú vị. Việc viết ra một bài nghiên cứu hoàn chỉnh để đăng tạp chí, làm tăng thêm vốn tri thức sẵn có bằng cách sử dụng lập luận chặt chẽ và tuân thủ các tiêu chuẩn khoa học thực ra rất giống như một công trình xây dựng. Dần dà, lý lịch khoa học của ta sẽ dày lên với những sản phẩm mình tạo ra, và cảm giác tích luỹ giá trị đó thật hấp dẫn Ngoài ra, người làm nghiên cứu cũng hay được đi đây đi đó, mở rộng tầm mắt. Các nhà nghiên cứu cũng khá được xã hội tôn trọng. .

Nghề nghiên cứu cũng rất khó. Ngoài nhiều kỹ năng lớn nhỏ cần phải học, có hai kỹ năng đặc thù với nghề này nhất: (i) đưa một khối lượng kiến thức lớn vào đầu một cách hiệu quả và (ii) diễn đạt kiến thức trong đầu ra một cách hệ thống và (hy vọng là) dễ hiểu. Tóm lại là hai kỹ năng: học và viết.

Việc trui rèn hai kỹ năng này là một công trình dài hơi, và trang blog này là một thử nghiệm trong đó.

Đối với tôi, việc học hai kỹ năng này đồng nghĩa với việc xây dựng cho mình một quy trình làm việc hiệu quả. Hai kỹ năng học và viết, nghe thì có vẻ như đại diện cho hai khâu khác nhau trong nghiên cứu, nhưng thực ra lại phải diễn ra đan xen. Ban đầu, tôi nghĩ rằng viết lách là kết quả của quá trình học. Lối tư duy này có lẽ là do phương pháp dạy học từ thời phổ thông khi mà bài luận được coi như là một thử thách ta cần phải vượt qua để… tốt nghiệp. Bây giờ, tôi nghĩ viết lách chính là quá trình học. Việc thực hành ghi chú song song với việc học, và hệ thống hoá những ghi chú này đã và đang tạo ra những kết quả tích cực đối với khả năng học của tôi. Thật không thể nói ta hiểu điều gì nếu như ta chưa diễn đạt được điều đó một cách trôi chảy và dễ hiểu. Hiểu được điều này nên tôi thường xuyên viết, dù ngắn hay dài, và hiện tại tôi có hàng trăm ghi chú lớn nhỏ nằm rải rác trong Dropbox của mình.

Bài toán tiếp theo là gom các ghi chú rời rạc thành một nội dung có đầu có cuối. Viết để cho người khác đọc, chứ không phải cho bản thân mình đọc. Để thực hiện được việc này, tôi cần một cú hích. Không giống như trong quá trình học, khi mà mỗi một ghi chú viết ra tạo cho tôi một động lực nho nhỏ khiến tôi muốn học và tạo ra ghi chú tiếp theo Tôi có nhiều thử nghiệm thú vị với cách tổ chức ghi chú của mình. Tôi khá hào hứng muốn chia sẻ về chủ đề này, nhưng có lẽ để bài khác. Một số ghi chú của tôi đã được tổng hợp ở đây. , tôi không có nhiều động lực để gom các ghi chú thành một bài viết. Kỹ năng viết của tôi dở tệ đối với cả tiếng Việt và tiếng Anh, và nếu tôi viết trong trạng thái không ai có thể đọc được, tôi sẽ không thèm để ý đến việc viết sao cho tử tế đâu.

Đó là lý do tôi tạo ra blog này. Đó là lý do tại sao bạn đọc được những dòng này.

Tạo blog như thế nào?

Sự hứng thú của tôi với việc viết lách không chỉ là thứ duy nhất khiến tôi hứng thú với blog. Tôi rất quan tâm đến quá trình “thiết kế” một cái website của riêng mình. Blog của tôi phải có giao diện thật tối giản và trực quan. Nội dung phải được sắp xếp ra sao để tối ưu quỹ đạo di chuyển của mắt người đọc. Ghi chú dưới chân (footnotes) và ghi chú bên lề (sidenotes) phải được thiết kế một cách có tính toán. Màu sắc của trang web không được quá tương phản và chói mắt. Phông chữ phải đẹp và dễ đọc.

Tôi không thể “tạo một tài khoản Wordpress/Wix trong 5 phút và bắt đầu viết”, như các nền tảng blogging này vẫn hay quảng cáo. Cái tật cầu toàn không cho phép tôi làm vậy.

Tôi sử dụng các nền tảng tốt nhất mà tôi biết và sử dụng được để tạo ra website này. Website này được xây dựng bằng Hugo, sử dụng một phiên bản được chỉnh sửa dựa trên bộ chủ đề hugo-coder. Toàn bộ các tệp được lưu trữ trên Github và triển khai trang bằng dịch vụ của Netlify.

Hugo được viết bằng Go - một ngôn ngữ lập trình được thiết kế bởi Google. Điều này có nghĩa rằng nó rất nhanh, đủ để tôi có thể chỉnh sửa trên máy tính và xem kết quả update trực tiếp trên website gần như ngay lập tức. Hugo cung cấp một kho chủ đề lớn. Từ đó, tôi chọn một chủ đề đơn giản và dễ nhìn, nhưng đã có sẵn hầu hết tính năng tôi muốn, ví dụ như:

  • Tự động tạo danh sách bài viết lưu trữ
  • Hệ thống tags giúp điều hướng thuận tiện hơn
  • Hỗ trợ đa ngôn ngữ
  • Biểu diễn các công thức toán học viết bằng \(\LaTeX\). Các công thức này được xử lý bằng \(\KaTeX\) thay vì MathJaX, vì nó nhỏ gọn hơn, không có những ký tự xịn xò mà tôi không dùng đến
  • Khả năng nhúng bình luận vào bằng dịch vụ của Disqus, mặc dù tôi vẫn chưa quyết định có dùng đến tính năng này hay không
  • Tôi sẽ không viết nhiều hoặc tần suất không ổn định. Vì vậy, những ai muốn theo dõi những nội dung mới có thể đăng ký qua kênh RSS Feed.

Sau đó, tôi bắt tay vào thiết kế giao diện cho website.

Bạn có biết cái icon nho nhỏ mà bạn nhìn thấy ở thanh tab các trang web được gọi là favicon không? Tôi ngồi tô cái favicon này mất 30 phút. Không phải cái favicon xịn nhất quả đất, nhưng mà tôi khá hài lòng.

Bạn có biết cái icon nho nhỏ mà bạn nhìn thấy ở thanh tab các trang web được gọi là favicon không? Tôi ngồi tô cái favicon này mất 30 phút. Không phải cái favicon xịn nhất quả đất, nhưng mà tôi khá hài lòng.

Tôi lấy nhiều cảm hứng từ triết lý trình bày văn bản của Edward Tufte. Bạn có thể xem trang web được thiết kế hoàn toàn theo phong cách Tufte ở đây, và sẽ thấy nhiều điểm tương đồng. Triết lý của Tufte tập trung vào việc xây dựng nội dung sao cho dễ đọc và tiết kiệm diện tích. Chiều rộng của một đoạn văn không kéo dài khắp màn hình mà chỉ rộng bằng một nửa thôi. Trên những thiết bị nhỏ như điện thoại, chiều rộng của đoạn văn mới được kéo ra, gần chạm đến hai bên lề.

Nếu bạn đọc trên máy tính, chắc hẳn bạn đã để ý những nội dung ở bên lề phải trong quá trình đọc đến đây. Các ghi chú bên lề này được gọi là side notes hoặc margin notes. Tôi sử dụng ghi chú bên lề thay cho ghi chú dưới chân văn bản (footnotes). Ghi chú dưới chân có thể hữu ích trong một quốn sách, nhưng hơi phản tác dụng khi ở trên một trang web. Bằng cách sử dụng ghi chú bên lề, tôi có thể đưa vào những thông tin không thực sự nằm trong mạch chính của bài viết, và bạn không cần phải cuộn chuột hay click để nhảy màn hình xuống dưới cùng, làm sao nhãng nội dung cần đọc. Trên những thiết bị có chiều ngang hẹp như màn hình điện thoại, các ghi chú bên lề được ẩn đi và bạn có thể bấm vào số hoặc ký hiệu để ẩn hoặc hiện các nội dung này.

Sử dụng ghi chú bên lề cũng có tác dụng nhất định trong việc điều tiết nhịp độ của bài viết và giữ sự chú ý của người đọc. Nhiều khi những dòng chữ bên lề đóng vai trò như một nhân vật thứ hai, giúp bổ sung hoặc phản biện nội dung bài viết vào những lúc cần thiết. Mặc dù sử dụng ghi chú bên lề khá vui và gây nghiện, tôi cố gắng hạn chế sử dụng chức năng này để tập trung vào khả năng diễn đạt của mình.

Trên hầu hết các thiết bị, trang web này có thể tự đổi tông màu dựa trên chế độ ban đêm của thiết bị. Nếu trình duyệt hoặc điện thoại bạn dùng để xem trang web này đang ở chế độ ban đêm, bộ màu của trang web này sẽ đổi sang màu tối edit: Tôi cũng đã thêm một cái nút ở góc phía dưới bên phải màn hình, nếu như bạn muốn tự thay đổi tông màu sáng/tối theo sở thích. .

Màu sắc và phông chữ là một yếu tố quan trọng. Thiết lập mặc định của các trình duyệt web là chữ màu đen trên nền trắng quá tương phản, gây mỏi mắt sau khi đọc một thời gian, chữ màu trắng trên nền đen cũng tương tự. Nội dung màu xanh và được gạch chân là dấu hiệu thường thấy để biểu thị đường dẫn, nhưng tôi thấy chúng hơi quá thu hút, vì vậy tôi chỉ sử dụng gạch chân mà thôi.

Hai phông chữ chính mà tôi đang sử dụng cho trang web này là Alegreya và Iosevka, theo thứ tự dùng cho nội dung viết và code. Ngoài ra, phông chữ Noto Sans Symbols2 của Google cũng được sử dụng cho một số ký tự biểu tượng. Để đảm bảo trang web hiện ra một cách tử tế, trình duyệt của bạn có thể sẽ kéo các phông chữ này về từ API của Google Fonts. Điều này có thể khiến trang web hiện ra chậm hơn một chút, nhưng tôi nghĩ không đáng để bạn quan tâm.

Kết

Một ngày cuối tuần, tôi quyết định là mình muốn làm một trang web, và hầu như tất cả những thứ ở đây được tạo ra trong ngày cuối tuần đó. Có những vấn đề tôi chưa thực sự nghĩ ra cách giải quyết, ví dụ như làm sao để trải nghiệm sử dụng hai ngôn ngữ trơn tru và trực quan hơn, hay sửa những lỗi người dùng rất nhỏ mà tôi hy vọng bạn không nhận ra :-) Dù sao đi nữa, tôi phải nhanh chóng triển khai trang web này sau khi nó đã hòm hòm, không thì nó cứ mãi chỉ là một thư mục máy tính mà thôi.