Viết sao cho "gãy gọn"

Viết sao cho “gãy gọn”?

Gãy

“Gãy” là một từ gợi thanh, gợi cảm. Hãy nghĩ đến âm thanh và cảm giác khi ta bẻ một cành cây khô. Đó là “gãy”. Cảm giác khi đưa miếng bim-bim vào mồm và nhai? Nó “gãy” đến mức bạn không thể tập trung vào bộ phim trước mặt. Cảm giác khi nghe tiếng những giọt mưa rào nặng hạt đập vào mái tôn, vào lá cây, vào mặt đất? Đó cũng là tiếng “gãy”.

Sự “gãy” xảy ra ngay nhanh chóng và gây ấn tượng đặc trưng. Ta không thể nhận diện nhầm tiếng “gãy” với âm thanh nào khác.

Vậy, viết sao cho “gãy”?

Muốn viết cho “gãy”, ta phải tư duy như một lập trình viên. Chúng ta đang tìm cách truyền đạt thông tin cho người đọc, tương tự như cách những lập trình viên viết thuật toán để đưa thông tin vào bộ nhớ.

Viết lách phải có mục đích. Lập trình viên không viết cho có. Mục đích có thể là bất cứ thứ gì: một câu chuyện ta muốn kể lại, một ý tưởng ta muốn diễn đạt, hay một cảm xúc ta muốn tái tạo,… nhưng nó phải tồn tại rõ ràng trước khi ta bắt tay vào viết.

Bộ não con người là một cái máy tính chậm và giới hạn, nên chúng ta phải xây dựng thuật toán sao cho lỗi tràn bộ nhớ không bao giờ xảy ra. Tốt nhất là đừng để người đọc phải nhớ cái gì hết. Đừng sử dụng các cấu trúc câu phức tạp. Đừng sa đà vào liệt kê. Nhớ viết nguyên nhân trước kết quả. Cái mục đích mà ta đề ra trước khi viết? Tốt nhất là đặt nó vào ngay đầu bài viết. Đừng viết kiểu úp úp mở mở. Đừng tỏ ra mập mờ, bí ẩn.

Gọn

Muốn viết cho gọn, ta phải tư duy như một nhà kinh tế. Các nhà kinh tế muốn tối ưu thông tin truyền đạt trong bài viết, sử dụng ít tài nguyên nhất. Tài nguyên ở đây là giấy mực đối với người viết tay, là số lần gõ phím đối với người viết trên máy tính.

Sự thừa thãi là điều chúng ta khinh bỉ. Đừng reo rắc trong bài viết những từ ngữ vô dụng: thì, rằng, là, mà,… Những từ thừa thãi là những từ chúng ta hay sử dụng trong văn nói, và vô tình để tuột vào văn viết. Vì lẽ đó, ta dễ nảy sinh gắn bó với những từ này, nhưng một nhà kinh tế thì thực dụng và tàn nhẫn: ta phải vứt bỏ hết những từ thừa thãi một khi ta phát hiện ra chúng.

“Gọn” còn là một từ gợi hình. Khi nhìn vào một đoạn văn, người đọc có thể phân biệt được đâu là một bài viết gọn và đâu thì không. Đừng viết những đoạn văn dài lê thê. Cũng đừng viết những đoạn văn ngắn cụt lủn. Có một độ dài vừa phải đối với chiều dài của một đoạn văn. Hãy cảm nhận nó.

Một bài viết gọn gàng giúp những người đọc bận rộn dễ dàng đọc lướt mà vẫn nắm được những ý chính. Việc học cách chia tư duy thành từng khúc văn nhỏ cũng giúp ta làm chủ suy nghĩ của mình.

Gãy gọn

“Gãy gọn” là một từ ghép gồm hai chữ: “gãy” và “gọn”. Hai chữ này nói về cùng một thứ văn phong, nhưng từ hai góc độ khác nhau như phía trên đã nói vậy.