Những điều tôi học được sau khi nộp PhD Kinh tế học ở Mỹ

Tôi đã trúng tuyển cho chương trình PhD kinh tế học (economics) ở trường Đại học Washington tại St. Louis. Chỉ vài tuần nữa là tôi sẽ lên máy bay sang Mỹ để nhập học vào kỳ mùa thu năm nay (2022). Nhận được kết quả đã hơn 3 tháng trước thời điểm viết bài này, nhưng đến giờ tôi vẫn đang rất vui sướng.

Đối với những người có xuất phát điểm như tôi (tốt nghiệp từ một trường đại học ở Việt Nam, không có bằng master’s và chỉ đi học với điều kiện tài trợ toàn phần), việc đỗ vào một chương trình PhD nằm trong top 30 us (hay thậm chí là top 50 us) là một điều diệu kỳ. Để đến được đây là một chặng đường dài, và thật lòng, tôi tin rằng may mắn là một yếu tố không hề nhỏ trong đó.

Tuy nhiên, cần có may mắn không có nghĩa là điều này không thể lặp lại. Tôi tin rằng may mắn thường hay đến với những ai đã chuẩn bị kỹ càng, cả về hồ sơ cũng như tâm lý và kiến thức. Như Louis Pasteur đã nói: “Chance favors the prepared mind.” Xuất phát từ Việt Nam, chúng ta cần nhiều may mắn hơn để theo đuổi môi trường học thuật và vì thế cần nhiều sự chuẩn bị hơn. Nếu bạn có ý định theo đuổi PhD trong kinh tế học, tốt nhất là bạn đừng rung chân nhàn rỗi mà thiếu sự chuẩn bị từ sớm.

Tôi viết bài này là để cung cấp thông tin cho những người có mong muốn theo đuổi PhD ngành kinh tế học ở Mỹ, hoặc đơn giản chỉ đang thắc mắc nó là cái gì. Nếu bạn mới hoặc thậm chí là sắp bước vào bậc đại học là bạn có thể đọc được rồi. Trong quá trình hơn một năm chuẩn bị hồ sơ và 4 tháng hồi hộp chờ kết quả, phỏng vấn, thăm quan trực tuyến các trường, tôi đã vỡ ra rất nhiều điều. Tôi không có ý định học PhD lần thứ 2, vậy nên một số kiến thức chắc sẽ không còn hữu ích nữa nếu như tôi không viết ra ở đây.

Ban đầu tôi định blog một bài ngăn ngắn để chia sẻ cho bạn bè. Sau đó tôi nhận ra tôi muốn viết bài này cho một tập người đọc rộng hơn, vì thế bài này cũng trở nên hơi dài cho một cái blog cá nhân. Dù vậy, tôi cũng cố gắng co lại sao cho cô đọng. Các đường link và trích dẫn sẽ được dọn sang phần lề của trang web, tách biệt với nội dung chính. Các ý quan trọng nhưng rời rạc cũng được đưa vào trong các hộp cho gọn.

Phần thứ nhất trong bài này mô tả một bức tranh tổng quát về PhD kinh tế học ở Mỹ – dành cho những ai muốn biết nó là cái gì, hoạt động ra sao, học xong ra làm gì… Phần thứ hai sẽ nói về quá trình lựa chọn và nộp hồ sơ PhD kinh tế học tại Mỹ, và chiến lược để đi đến đó. Website này đã được thiết kế để di chuyển giữa các đề mục được thuận tiện nhất. Hãy sử dụng mục lục nếu bạn cần.

Phân biệt kinh tế học và các ngành giông giống nó

Ở Việt Nam, có một số lĩnh vực hay bị nhầm với kinh tế học (economics). Ở Mỹ, kinh tế học thường được xếp vào nhóm các bộ môn khoa học xã hội, nằm trong các trường về khoa học và nghệ thuật (school of arts and sciences). Phân biệt với:

  • Các ngành nằm trong trường kinh doanh (business school) như: tài chính (finance), kinh doanh (business), marketing,…
  • Các ngành kinh tế học ứng dụng (agriculture and/or applied economics)
  • Các ngành khác trong nhóm khoa học xã hội: chính sách công (public policy), kinh tế chính trị (political economy), xã hội học (sociology), triết học (philosophy), etc.

Các ngành này ít nhiều có đặc điểm giống với kinh tế học, chia sẻ nhiều chủ đề nghiên cứu cũng như cách tổ chức trong ngành. Trừ nhóm ngành trong trường kinh doanh, nhìn chung các ngành mà tôi liệt kê ở đây có đầu vào ít cạnh tranh hơn so với kinh tế học và có triển vọng công việc hẹp hơn. Đối với nhiều người, đây là những lựa chọn dự phòng tốt một khi cạnh tranh trong kinh tế học trở nên quá khắc nghiệt.

Với kinh nghiệm của mình, trong bài này tôi sẽ chỉ nói về ngành kinh tế học mà thôi. Nếu tôi chỉ viết là “chương trình PhD” hay “sinh viên PhD”, hãy ngầm hiểu rằng tôi đang nói về PhD kinh tế học, ở các trường Mỹ trong khoảng top 50.

Phần 1: Bức tranh về PhD kinh tế học

Trong phần này
  • PhD kinh tế học ở Mỹ là một món hời về chất lượng đào tạo, về danh tiếng và về triển vọng công việc, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
  • Tuy nhiên, cạnh tranh để vào được PhD kinh tế học là rất ngặt nghèo
  • Cần xác định rõ mục tiêu: PhD là để học cách làm nghiên cứu hàn lâm. PhD có thể rất căng thẳng và khốc liệt, vậy nên hãy tự hỏi bản thân: “Liệu mình có phù hợp với PhD không?” trước khi dấn thân vào con đường này.

Quá trình học

Khác với mô hình PhD ở Úc hay châu Âu, học PhD ở Mỹ và Canada không yêu cầu ứng viên phải học đến cấp độ thạc sỹ (master’s) trước đó. Bằng cử nhân (bachelor’s) là bắt buộc, nhưng cũng không nhất thiết phải là cử nhân kinh tế học. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên quốc tế bước vào chương trình PhD ở Mỹ khi đã có bằng thạc sỹ. Dù có thạc sỹ hay không, họ vẫn phải trải qua đầy đủ chương trình PhD chứ không cắt ngắn được thời gian học.

Chương trình PhD ngành kinh tế học ở Mỹ kéo dài khoảng 5 năm, bắt đầu từ lúc nhập học cho đến khi đem bài luận văn ra phô diễn ở thị trường việc làm (job market). Có thể nói job market là trùm cuối nên bây giờ nhiều nghiên cứu sinh Trong bài này tôi viết “nghiên cứu sinh” và “sinh viên PhD” là có ý nghĩa như nhau (PhD student). Nghiên cứu sinh năm cuối lúc sắp ra thị trường việc làm sẽ gọi là “ứng viên PhD” (PhD candidate). quyết định học đến năm thứ 6 để chuẩn bị bài luận và hồ sơ nghiên cứu kỹ càng hơn. Nghe nói có những người kết thúc chương trình trong 4 năm, nhưng có lẽ đó là những trường hợp đặc biệt (là thiên tài, hoặc có dự định khác nên muốn kết thúc học sớm).

Trong những năm đó, bạn được miễn học phí và nhận một khoản trợ cấp (stipends) đủ để sống. Mức trợ cấp mà trường Washington đề xuất cho tôi là hơn 29k usd mỗi năm. Mức trợ cấp này là khác nhau với mỗi trường và phụ thuộc vào mức sống ở vùng đó. Các trường hạng cao thì trả lương cao hơn một chút. Trường tư có thể trả cao hơn trường công. Bạn đi làm trợ giảng (research assisstant - ta) hoặc trợ lý nghiên cứu (research assisstant - ra) cũng có thể nhận được một khoảng thu nhập nho nhỏ nữa. Ngoài ra thì có bảo hiểm y tế (health insurance) nhưng tôi không chắc đó có phải là thông lệ chung hay không. Trường của tôi cấp bảo hiểm 90% cho sinh viên PhD.

Tóm lại một khi đã đỗ thì gần như không phải lo lắng nhiều về vấn đề tài chính, mà trường nào không trả tiền cho bạn thì cũng không đáng để đi học. Trợ cấp không phải thứ mà các trường dùng để cạnh tranh lẫn nhau mà chỉ là để đảm bảo nghiên cứu sinh có thể chuyên tâm học hành trong 5 năm thay vì lăn lộn mưu sinh. Hãy nhớ rằng các PhD là những tấm huy chương mà các trường đại học Mỹ cạnh tranh rất gắt gao. Nhà trường rất muốn bạn thành công! Thành công ở đây tính bằng việc hoàn tất được chương trình và ra trường có chỗ làm tốt. Vì vậy, hầu hết các trường đều sẽ tìm cách để đảm bảo sinh tồn cho tất cả nghiên cứu sinh PhD trong ít nhất là 5 năm.

Trong năm đầu của chương trình PhD, tất cả sinh viên năm nhất đều phải học và thi ba môn: Vi mô (Microeconomics), Vĩ mô (Macroeconomics) và Kinh tế lượng (Econometrics). Bài thi này được gọi là bài kiểm tra tổng quát (comprehensive exams). Về cơ bản, tất cả sinh viên sẽ phải a-lê-hấp toàn bộ kiến thức hiện đại của kinh tế học vào đầu trong năm học đầu tiên này. Vì vậy, có thể nói trải nghiệm năm đầu của PhD là kinh khủng đối với nhiều người. Có những trường nổi tiếng là đào thải một nửa số PhD của họ sau kỳ thi này. Theo những gì tôi tìm hiểu, phần lớn những người bị loại này là do họ cảm thấy sốc và không phù hợp với chương trình PhD nữa. Một số lượng lớn trong những người bị loại sau kỳ thi tổng quát là người Mỹ chứ không phải là sinh viên quốc tế. Có 2 lý do chính dẫn đến điều này:

  1. Sinh viên Mỹ ít được đào tạo bài bản về toán như sinh viên quốc tế. Hơn nữa sinh viên quốc tế khả năng cao là đã học đến bậc master’s trước khi nộp vào Mỹ. Chương trình đào tạo kinh tế học ở bậc PhD yêu cầu nhiều toán hơn hẳn bậc cử nhân, và chương trình master’s ở các nước châu Âu đào tạo môn toán rất nghiêm mật – nổi tiếng nhất là ở Pháp, Đức và Ý.
  2. Sinh viên Mỹ nếu dừng học PhD thì có thể theo đuổi những lựa chọn khác (outside options), trong khi cánh cửa này hẹp hơn nhiều đối với sinh viên quốc tế.

Nếu sinh viên PhD không vượt qua được các tiêu chuẩn đối với kỳ thi phổ quát, tuỳ vào phần thể hiện của họ, họ sẽ được nhận bằng master’s (hoặc tương đương) hoặc đơn giản là đi về nước.

Sau bài kiểm tra tổng quát, từ năm thứ hai trở đi, nghiên cứu sinh dành thời gian của mình để: tham dự các lớp chuyên sâu, đọc và tổng hợp tài liệu, thiết kế ý tưởng nghiên cứu, tham gia các chuỗi workshop, seminar hoặc hội thảo để trao đổi với các nghiên cứu sinh khác,… Trong những năm này, nghiên cứu sinh cũng phải đảm nhiệm một khối lượng ta/ra nhất định. Có thể hiểu những hoạt động này như là bản demo cho công việc nghiên cứu giống như của các kinh tế gia thực thụ. Cụ thể chương trình chi tiết được tổ chức ra sao thì mỗi trường mỗi khác, nhưng nhìn chung đây là giai đoạn mà nghiên cứu sinh phải tự vùng vẫy lên ý tưởng và thực hiện nghiên cứu. Đó là một thử thách rất khác đối so với năm đầu của chương trình PhD và (khả năng cao là) so với toàn bộ quá trình đi học từ trước đến nay của hầu hết các nghiên cứu sinh, khi mà họ phải chuyển từ trạng thái hấp thụ kiến thức (học) sang trạng thái sản xuất kiến thức (nghiên cứu).

Lý tưởng mà nói, các nghiên cứu sinh cũng sẽ làm việc để có bài đăng tạp chí y hệt như các kinh tế gia thực thụ, nhưng trên thực tế không nhiều nghiên cứu sinh có thể tạo ra nghiên cứu chất lượng trong thời gian này. Đây là một trong những vấn đề bị phê phán nhiều đối với bộ môn kinh tế học: Với mục tiêu là đào tạo ra các nhà khoa học, có vẻ như các chương trình PhD đều không có năng suất cao. Theo Conley and Önder (2014) ước tính, một nghiên cứu sinh năm thứ sáu ở các trường top 5 chỉ sản xuất ra được lượng nghiên cứu tương đương với 1 bài báo hạng hai, và hầu như không đăng được bài báo nào. Điều này còn tệ hơn khi văn hoá ở nhiều trường chỉ tập trung đầu tư nguồn lực cho một số nghiên cứu sinh “ngôi sao” và mặc kệ phần còn lại cho tự lực cánh sinh.

Có một số lý do có thể giải thích cho xu hướng này:

  • Thứ nhất: Quy trình đăng tải một bài báo trong lĩnh vực kinh tế học là rất lâu. Không tính đến thời gian thực hiện, bản thảo bài báo được gửi đi có khi phải mất từ 2 đến 5 năm mới được đăng. Đối với tạp chí càng xịn thì thời gian này càng dài. Ở các trường ở tốp cao, dưới áp lực đồng trang lứa, đôi khi nghiên cứu sinh thà chấp nhận không đăng bài còn hơn là hạ thấp tiêu chuẩn khi đăng ở một tạp chí kém chất lượng.
  • Một cách chính thức, PhD trong kinh tế học không yêu cầu bắt buộc phải có bài nghiên cứu để tốt nghiệp. Khi ra trường, “all you need is a goddamn paper” – bạn chỉ cần viết bài luận văn để đưa ra thị trường lao động mà thôi (job market paper). Sau nhiều năm học, không phải nghiên cứu sinh nào cũng muốn tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu hàn lâm. Chẳng hạn, nếu một người có mục đích là ra làm việc ở khu vực tư nhân (Amazon chẳng hạn), chưa chắc người đó sẽ muốn đầu tư nhiều vào việc nghiên cứu để đăng tạp chí.

Mặc cho các vấn đề nêu trên, trên thực tế, các PhD mới ra lò trong lĩnh vực kinh tế học vẫn đang được hưởng lợi từ một thị trường lao động rộng mở với triển vọng thu nhập tốt.

Thị trường việc làm cho PhD mới ra trường

Vào kỳ mùa thu, khi bạn đã viết xong job market paper (jmp), được sự thông qua với hội đồng hướng dẫn (advisor committee) tức là bạn đã sẵn sàng để ra ngoài thị trường việc làm.

Đây là một thị trường rất đặc thù. Hàng năm, Hiệp hội Kinh tế Mỹ (aea) khảo sát và cung cấp thông tin về cung cầu lao động đối với các ứng viên PhD. Hội này cũng sẽ là người điều phối cho thị trường việc làm trên cả nước Mỹ. Phía các trường đại học cũng sẽ có các vị trí dành riêng cho kỳ tuyển dụng này. Ví dụ: placement director (thường cũng là một giáo sư bộ môn) là người sẽ họp với các ứng viên và tư vấn họ nộp hồ sơ vào đâu; graduate secretary là người sẽ điều phối việc tổng hợp các bài jmp của toàn bộ sinh viên, gộp thành một gói rồi đăng lên trang web, gửi hồ sơ của các ứng viên và lá thư giới thiệu của các giáo sư đến tay từng nhà tuyển dụng,…

Mỗi một ứng viên PhD sẽ nộp từ vài chục cho đến cả trăm đơn ứng tuyển vào các vị trí khác nhau. Ngoài ứng viên PhD, thị trường này còn có sự tham gia của các trợ lý giáo sư (assisstant professor) trong ngạch hàn lâm. Đó là một quá trình ghép cặp khổng lồ, được điều phối một cách đồng bộ thống nhất – gần giống như là kế hoạch hoá tập trung vậy Tôi học những điều này từ bài blog này của Noah Smith (Đại học Michigan). Ngoài ra trên mạng cũng có rất nhiều blogger chia sẻ. . Tôi chưa trải nghiệm quá trình này nên không thể chia sẻ nhiều ở đây nhưng nhìn chung quy trình này đảm bảo việc làm cho gần như tất cả ứng viên. Có vẻ là nó hoạt động khá hiệu quả.

Sau khi tham khảo các kinh tế gia đã trải qua quá trình này, tôi thấy các PhD sau khi tốt nghiệp sẽ có vài tuyến công việc chính thế này:

Ngạch nghiên cứu hàn lâm ở các trường đại học (tenure tracks)
Đây có lẽ là tuyến công việc mà nhiều PhD muốn nhất, bởi vì nó chính xác là những gì họ được đào tạo để làm. Theo đuổi ngạch tenure có nghĩa là bạn sẽ tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy từ vị trí assistant professor lên full professor và được tenure – là cơ chế tuyển dụng trong đó một giáo sư ký hợp đồng trọn đời với một trường đại học. Ngoài ra, điểm lợi của công việc này là được làm chủ thời gian của mình, được tự do trong việc lựa chọn và theo đuổi dự án nghiên cứu,… Tuy nhiên, đây cũng là nhóm công việc khan hiếm vị trí nhất, và đang càng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.
Làm việc trong các tổ chức chính phủ và phi chính phủ
Có nhiều các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tuyển dụng các kinh tế gia để phục vụ cho việc phân tích và tư vấn chính sách. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (imf), Ngân hàng Thế Giới (The World Bank) hay hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ (Federal Reserves) là một số tổ chức lớn và tuyển nhiều PhD. Công việc ở đây cũng khá gần với giới hàn lâm và các giáo sư đôi khi cũng kiêm nhiệm luôn một số vị trí ở các tổ chức này. Ngoại trừ nhiệm vụ viết báo cáo, tư vấn chính sách thay vì giảng dạy như ở các trường đại học, công việc ở những tổ chức này vẫn có tính chất linh hoạt gần giống như đối với ngạch tenure và có nhiều điều kiện để thực hiện nghiên cứu hàn lâm.
Làm việc trong khu vực tư (industry)
Kinh tế học còn là ngành sở hữu nhiều công cụ định lượng nhất để tìm hiểu về các chủ đề xã hội. Vì vậy, những năm gần đây các PhD trong ngành này còn được săn đón khá nhiều bởi các công ty công nghệ như Amazon, Google,… để nghiên cứu về động cơ của người tiêu dùng (incentives), thiết kế thị trường (market design), nghiên cứu về cấu trúc thị trường (market structure) Xem Athey and Luca (2019). Susan Athey (Microsoft) và Hal Varian (Google) là hai trong số rất ít những kinh tế gia làm việc trong industry mà vẫn duy trì nhiều đóng góp trong nghiên cứu hàn lâm. . Giới tư nhân, doanh nghiệp làm việc vì lợi nhuận thì khác hẳn với giới hàn lâm mà các nghiên cứu sinh quen thuộc. Tuy nhiên, đây là nhóm công việc với mức thu nhập cao nhất và đang ngày càng trở thành lựa chọn thuyết phục đối với nhiều ứng cử viên PhD.

Có thể thấy, so với đầu ra của hầu hết các chương trình PhD khác, vốn hầu như chỉ bao gồm các vị trí nghiên cứu hàn lâm, lựa chọn công việc trong đối với PhD trong kinh tế học là rộng hơn nhiều. Với cầu lao động nhiều như vậy nhưng quy mô tuyển sinh của các chương trình PhD trong kinh tế học (nguồn cung lao động) gần như vẫn không thay đổi nhiều trong nhiều năm qua. Vì vậy, thị trường lao động đối PhD kinh tế học vẫn rất tốt, mà như nhiều nghiên cứu trong chính ngành này chỉ ra Xem Freeman (1999). : nó là một món hời, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại .

PhD dành cho ai?

Các kinh tế gia mà tôi làm việc cùng đều nói về quãng thời gian học PhD của họ với giọng hồi ức mơ màng trìu mến. Có thể cảm nhận được đó là một quãng thời gian vất vả nhưng đẹp đẽ. Bạn sẽ học trong các lớp nhỏ tầm chục người, thảo luận và hấp thu những kiến thức tân tiến ở ngay trong môi trường tạo ra chúng. Những năm sau đó, bạn cũng được tập tành nghiên cứu với dưới sự chỉ dẫn của những giáo sư đầu ngành. Rất nhiều mối quan hệ đẹp – cả trong sự nghiệp cũng như cá nhân – được tạo ra trong thời gian này. Trên nhiều khía cạnh, đây là môi trường giáo dục tốt nhất trên thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phía của câu chuyện.

Tôi cũng đã nghe kể về những người quyết định bỏ ngang giữa chừng bởi vì họ nhận ra bản thân không hề thích nghề nghiên cứu, mặc dù họ đã phải rất vất vả để vào được những chương trình PhD. Đây là một tình huống rất oái oăm, vì PhD là một khoản đầu tư lớn về mặt thời gian cũng như thu nhập tích luỹ (so sánh với lựa chọn bạn đi làm thay vì đi học). Nếu bạn không có ít nhất là sự yêu thích với công việc nghiên cứu, hãy cân nhắc thật kỹ. Đối với du học sinh Việt Nam, việc dừng PhD giữa chừng thường không phải là một lựa chọn khả thi. Không như sinh viên bản xứ, chúng ta không có nhiều lựa chọn bên ngoài.

Nhìn chung, các chương trình PhD sẽ rất dè dặt khi đầu tư vào những ứng cử viên lớn tuổi (quá 35 tuổi). Ở tầm tuổi này, con người ta đã vượt qua độ tuổi đỉnh cao về hoạt động não bộ và thể chất. Khả năng cao là lứa tuổi này cũng cần phải phân bổ thời gian cho việc chăm sóc con cái và cha mẹ già. Vì vậy, khi xét tới mục đích của chương trình PhD là đào tạo các nhà khoa học hàn lâm, những người này sẽ tiêu thụ nhiều hơn là tạo ra kiến thức. Như vậy, đối với hầu hết mọi người, thời gian học PhD sẽ chiếm một phần lớn giai đoạn tuổi trẻ sung sức (25-35 tuổi) Tôi nghĩ nữ giới ở Việt Nam có thể sẽ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố tuổi tác. Ở Mỹ thì ngược lại, nữ giới đang dần chiếm tỉ trọng lớn hơn trong giáo dục bậc cao và hưởng lợi nhiều hơn từ cơ hội này. Phụ nữ với học vị cao có thu nhập cao hơn và cũng có nhiều cơ hội kết hôn với người có học vị cao, giúp đẩy chất lượng cuộc sống của họ lên cao hơn nữa (Becker, Hubbard, and Murphy 2010). Đối với ngành kinh tế học, xu hướng tuyển dụng trong hàn lâm là đang ưu tiên nữ giới, vậy nên thị trường lao động dành cho nữ PhD phần nào cũng thuận lợi hơn (Card et al. 2022). . Việc lên chiến lược để vào được vào PhD cũng phải từ vài năm trước đó. Điều này tức là bạn sẽ cần phải lên kế hoạch để nhắm đến PhD từ khi khá trẻ (đầu 20 tuổi).

Ngoài ra, cũng nên quan tâm đến vấn đề văn hoá. Ngành kinh tế học, cũng như nhiều ngành khoa học khác, hoạt động dựa trên cơ sở danh tiếng (của trường, của giáo sư, của cựu sinh viên,…). Điều này có thể dẫn đến các vấn nạn thành tích tiêu cực. Giới kinh tế học là một cộng đồng nhỏ tinh hoa, và nó có đủ các điểm xấu thường gắn liền với các cộng đồng nhỏ tinh hoa: phân biệt giới, phân biệt chủng tộc, khép kín và mang tính thứ bậc cao,… Xác suất tai nạn xảy ra vì những nguyên nhân này là nhỏ, nhưng chúng có xảy ra. Để chuẩn bị cho điều này, trước khi bước vào PhD, hãy dành thời gian bồi đắp kiến thức để bảo vệ bản thân: Nghĩa vụ của giáo sư hướng dẫn và nghiên cứu sinh là gì? Những hành vi như thế nào được tính là phân biệt giới, phân biệt chủng tộc? Khi xảy ra chuyện, cần phản ứng như thể nào để bảo vệ mình và người thân?

Khỏi cần phải nói, nghiên cứu là làm việc trong thời gian dài với yêu cầu cao về sự tập trung. Vậy nên nếu bạn thấy mình không có độ tập trung đủ cao, với thể chất và những thói quen sinh hoạt đủ để phục vụ nhịp làm việc dày đặc thì cũng nên cân nhắc xem mình có thể hoàn thành được chương trình PhD hay không.

Phần 2: Quá trình chuẩn bị và nộp vào PhD

Trong phần này

Chọn trường để nộp:

  • Chủ động tìm kiếm thông tin trên website của các trường
  • Nộp nhiều trường thay vì tập trung cho một số ít trường
  • Nên học trường có thứ hạng cao hơn. Tuy nhiên ngoài một số trường top thì nên chú ý nhiều hơn đến thế mạnh của trường.

Trong bộ hồ sơ:

  • Các thành phần như gpa đối với các môn toán và kinh tế học, các chứng chỉ (điểm thi gretoefl/ielts) chỉ mang tính chất sàng lọc, ít tạo ra lợi thế so sánh.
  • Các bức thư giới thiệu có tính quyết định rất cao. Để sở hữu thư giới thiệu mạnh cần có một chiến lược dài hơi.

Thu thập thông tin và chọn trường

Muốn nộp học PhD thì bạn sẽ phải nộp đơn ứng tuyển – đơn giản là vậy. Ở Việt Nam và trên thế giới hiếm có chương trình học bổng chính phủ nào có khả năng đưa trực tiếp bạn vào PhD trong kinh tế học ở Mỹ. Hầu hết bạn bè trong nước của tôi đều mơ hồ khi nói đến chuyện nộp PhD kinh tế học ở Mỹ, nhưng thực ra quy trình này rất minh bạch và có sự đồng bộ cao giữa các trường. Bạn có thể google cụm từ khoá <tên trường> + econ PhD admission và nhận được đủ các thông tin cần thiết từ một hai kết quả tìm kiếm đầu tiên. Tất cả các chương trình PhD ở Mỹ đều sẽ công khai trên website của họ thông tin về yêu cầu đối với hồ sơ ứng tuyển PhD, về việc họ nhận khoảng bao nhiêu hồ sơ mỗi năm và có khoảng bao nhiêu người nhập học, về cấu trúc chương trình, và thậm chí là cả việc các PhD ra trường đi làm ở đâu (job placement)… Để đánh giá chất lượng đào tạo của một trường cứ tìm vào mục job placement – bạn sẽ hiểu ra rất nhiều điều.

Hãy nói về thứ hạng (rankings). Có nhiều bảng xếp hạng khác nhau, được tính toán theo các phương pháp khác nhau. Trong quá trình phỏng vấn và các buổi thăm quan trực tuyến, tôi thấy người ta hay tham chiếu USNews Rankings. Ngoài ra có thể kể đến các bảng xếp hạng của RePEcĐại học Tilburg Hiệp hội Kinh tế Mỹ (aea) cũng tổng hợp các bảng xếp hạng ở đây. . Mỗi bảng xếp hạng đều có ưu nhược riêng, vì vậy trước khi tham chiếu cần phải đọc kỹ về phương pháp tính toán của các xếp hạng này. Hãy lưu ý rằng: các bảng xếp hạng chỉ mang tính chất tương đối, đặc biệt nếu đưa các trường ở ngoài Mỹ vào so sánh.

Bỏ qua các yếu tố nhiễu trong xếp hạng, kinh nghiệm chung nói rằng bạn hãy học trường có thứ hạng tốt nhất mà bạn được nhận. Ở trong ngành kinh tế học, thứ hạng có tương quan cao (và khả năng là có tính quyết định) đối với chất lượng đầu ra của sinh viên. Lý do then chốt là những trường ở thứ hạng càng cao thì quy mô của khoa kinh tế học càng lớn. Ví dụ: tôi vừa đếm nhanh thấy ở mit (top 1) có khoảng 30 giáo sư bộ môn, trong khi đó ở wustl nơi tôi sắp đến học (top 30 theo USNews) có 16 người. Khi xuống đến top 50, tôi đoán là mỗi trường chỉ có khoảng 10 giáo sư hoặc ít hơn. Đây là số lượng những người sẽ trực tiếp hướng dẫn bạn nghiên cứu và viết thư giới thiệu cho bạn khi bạn ra thị trường lao động. Con số này tỉ lệ thuận với số lượng ứng cử viên PhD mỗi trường sẽ đào tạo ra hàng năm và sẽ giảm dần khi đi xuống theo thứ hạng của các trường.

Như vậy, có 2 bài học rút ra đối với quá trình chọn trường để nộp:

  1. Các trường ở thứ hạng cao hơn có nhiều giáo sư và đào tạo nhiều PhD hơn, theo đó là mạng lưới quan hệ rộng hơn. Điều đó khiến cho chất lượng đầu ra ở các trường này tốt hơn, vì khi bạn ra thị trường lao động, có khả năng cao người tuyển dụng đã biết danh tiếng của ai đó ở trường bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn ứng tuyển vào vị trí hàn lâm, vì tất cả các giáo sư đều sẽ biết danh tiếng của các giáo sư đầu ngành.
  2. Các trường ở tốp đầu sẽ mạnh đều về tất cả các mảng trong kinh tế học, trong khi đó các trường ở hạng thấp hơn sẽ chỉ cố gắng tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Điều này cũng có nghĩa rằng càng đi xuống các trường ở hạng thấp, bạn càng nên quan tâm đến việc trường và các giáo sư ở đó có phù hợp với hướng nghiên cứu yêu thích của bạn không. Một khi đã ra ngoài top 50 thì xếp hạng không còn quá quan trọng, bởi vì thứ hạng của những trường này có thể thay đổi chóng vánh mỗi năm khi họ tuyển một giáo sư mới, hoặc một giáo sư cũ rời đi.

Mặc dù xếp hạng là khá quan trọng, nhưng bởi vì các hồ sơ nộp PhD ở Mỹ đều có chất lượng rất cao, dẫn đến trong quá trình xét tuyển vẫn còn khá nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Để giảm thiểu rủi ro, cách duy nhất là tăng số lượng hồ sơ nộp. Ngày nay, hầu như các ứng viên đều rải đơn cho rất nhiều trường cho mỗi đợt nộp (10-15 trường trở lên).

Thành phần của một bộ hồ sơ

Nhìn chung, bất kỳ trường nào cũng sẽ yêu cầu những thứ sau:

Thành phần của bộ hồ sơ (1) – Vòng gửi xe 🚴🚴🚴
Bảng điểm (gpa) đại học (và thạc sỹ nếu có)
Vì học PhD là phải biết cách tung hứng biến đổi các phương trình toán, cộng với một thực tế phũ phàng là kiến thức kinh tế học được giảng dạy ở bậc đại học là không ý nghĩa lắm đối với chương trình PhD, hầu như các trường chỉ quan tâm đến điểm các môn toán của bạn.

Bạn sẽ cần chứng minh rằng bạn đã học với điểm số cao các nội dung tương đương với các môn sau:

  • Đại số Tuyến tính (Linear Algebra)
  • Chuỗi 3 môn Giải tích (Calculus sequences)
  • Thống kê (Statistics)

Ngoài ra, các môn toán khác mà bạn được học sẽ được coi như các điểm cộng nho nhỏ. Nếu bạn đã học những môn Kinh tế lượng (Econometrics) hoặc Giải tích Thực (Real Analysis) thì cũng hãy đưa vào hồ sơ đầy đủ. Chúng đều rất hữu ích cho quá trình học PhD và được coi như điểm cộng cho hồ sơ nếu thể hiện tốt.

Điểm thi gre
Hầu hết các chương trình PhD sẽ yêu cầu điểm thi gre. Chứng chỉ này có 3 phần: định lượng (quantitative), ngôn ngữ (verbal), và viết luận (awa). Đối với PhD kinh tế học, hầu như ban tuyển sinh chỉ nhìn vào điểm thi gre môn quantitative.

Tiêu chí này mang tính chất sàng lọc, và vì hầu hết sinh viên quốc tế đều có điểm quantitative rất cao, bạn sẽ muốn có số điểm hoàn hảo hoặc gần hoàn hảo (165-170) trong môn này để yên tâm là không bị loại ngay từ vòng gửi xe. Đừng lo, tôi nghĩ bài thi này khá dễ đối với sinh viên Việt Nam, nhưng cũng nên chuẩn bị từ sớm. Các môn còn lại chỉ cần đâu đó trên mức trung bình là đủ (155+ cho Verbal, 3.0+ cho awa).

Chứng chỉ ngoại ngữ
Chứng chỉ ngoại ngữ mà các trường ở Mỹ ưa dùng là toefl, nhưng trường nào tôi nộp cũng đều nhận điểm ielts. Đây cũng chỉ là một tiêu chí chỉ để sàng lọc. Điểm toefl trên 100 và ielts trên 7.0 là đủ đáp ứng cho hầu hết các trường. Cao hơn nữa cũng không để làm gì.

Hãy chuẩn bị ôn thi gretoefl/ielts từ sớm, và lên kế hoạch dự phòng để thi lại nếu điểm số không như ý. Tôi nghĩ nên thi sớm trước khoảng chừng một năm.

Các yêu cầu mà tôi liệt kê trước tiên này đều mang tính chất sàng lọc, là cái mà ở Việt Nam chúng ta hay gọi là vòng gửi xe.

Hãy tưởng tượng thế này: Hàng năm, mỗi trường đại học ở Mỹ nhận từ 500 đến 1000 hồ sơ ứng tuyển vào chương trình PhD kinh tế học. Nhiệm vụ của ban tuyển sinh là chọn ra khoảng 30-50 ứng cử viên sáng giá để gửi thư mời, với mục tiêu là có khoảng 10-20 người chấp nhận lời mời và nhập học. Kỳ tuyển sinh PhD thường diễn ra ngay sau kỳ nghỉ đông, song song với job market của các ứng cử viên PhD. Hiển nhiên, các giáo sư trong trường không có đủ thời gian và trí não để đọc được bằng hết cả ngàn cái hồ sơ, hầu hết đều từa tựa nhưng không hẳn là giống nhau.

Xin giới thiệu: Các trợ lý của khoa. Nhiệm vụ của họ là loại bớt số lượng hồ sơ theo một số tiêu chí cứng mà các giáo sư đã thống nhất – đó là các tiêu chí mà tôi đã nêu ở trên: điểm gpa đối với các môn toán, điểm thi gre và chứng chỉ ngoại ngữ. Hồ sơ nào không đáp ứng được các tiêu chí này sẽ bị loại ngay lập tức.

Các tiêu chí này đều được cho là không chứa nhiều tín hiệu cho một ứng cử viên PhD thành công mà chỉ có giá trị sàng lọc. Vì vậy, một khi hồ sơ của bạn đã vượt qua vòng gửi xe, những tiêu chí này khả năng cao là sẽ không được nhìn lại lần nữa. Vậy nên điểm ielts 8.5 hay bài luận gre 6.0 của bạn rất tiếc sẽ không tạo cho bạn nhiều lợi thế cạnh tranh ở đây.

Sau khi vượt qua vòng gửi xe, những phần còn lại mới là những phần mà được hội đồng tuyển sinh đọc và đánh giá toàn bộ. Phần này như sau:

Thành phần của bộ hồ sơ (2) – Phần chính 🍲
3 × Thư giới thiệu (Letters of Recommendation)
Người viết thư giới thiệu cho bạn nên là người trong giới học thuật, tức là những giáo sư mà bạn đã từng học và làm việc cùng, hoặc nếu không thì cũng phải là những người làm nghiên cứu, đã được đào tạo trong môi trường PhD ở Mỹ hoặc là học giả đã có sản phẩm nghiên cứu trong ngành này. Bắt buộc phải có ít nhất 3 thư để hồ sơ được coi là hợp lệ.
Statement of Purpose (SoP)
Một bức thư ngắn (khoảng 500-1000 từ) nói về việc tại sao bạn nghĩ rằng mình phù hợp với chương trình PhD này, và sẽ làm gì trong thời gian học. Quan điểm chung là phần này không quá quan trọng, tuy nhiên một cái SoP tệ có nguy cơ sẽ khiến hồ sơ của bạn bị loại ngay lập tức. Một số trường hợp SoP tệ là thế này:
  • Hiểu nhầm mục tiêu của PhD. Nhiều người viết là họ muốn học PhD là vì thích giảng dạy chẳng hạn, và khả năng cao là hồ sơ của họ sẽ bị loại. Mục đích của PhD là để học làm nghiên cứu, và bạn nên viết như vậy.
  • Vĩ cuồng: tôi muốn đoạt giải Nobel, xoá bỏ chiến tranh, thiết lập hoà bình thế giới,…
  • Sa đà vào các câu chuyện trường phái: Nếu bạn là fan hâm một nhiệt thành của mmt, hậu Keynesian, trường phái Áo, hay thậm chí là kinh tế học chính thống thì cũng không nhất thiết phải viết vào đây. Chỉ cần nói về một câu hỏi bạn thấy thú vị và nói rằng bạn muốn nghiên cứu về nó là đủ.

Tốt nhất là viết một chiếc SoP với giọng lạc quan và có thể áp dụng cho nhiều trường mà không cần chỉnh sửa quá nhiều.

Kinh nghiệm nghiên cứu và viết lách (không bắt buộc)
Trong kinh tế học, để đăng một bài nghiên cứu lên tạp chí thường mất 2-5 năm hoặc nhiều hơn, vì vậy các hồ sơ nộp PhD thường chưa có bài tạp chí nào được xuất bản. Nếu bạn có một bản thảo đang trong quá trình đăng nộp và peer-review, có thể nộp vào dưới dạng writing sample. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng đọc những nội dung này. Kinh nghiệm nghiên cứu tốt nhất là nên được đánh tín hiệu thông qua thư giới thiệu.

Xu hướng tuyển sinh PhD hiện nay

Ban tuyển sinh tìm kiếm điều gì ở các ứng cử viên? Quan điểm cụ thể cho câu hỏi này thì chắc mỗi vài năm lại mỗi khác, nhưng tôi nghĩ có một số yếu tố bất biến theo thời gian:

  1. Có khả năng chu cấp tài chính cho quá trình học
  2. Có kiến thức nền đủ để vượt qua bài kiểm tra tổng quát.
  3. Có tố chất của một nhà nghiên cứu (khả năng sản xuất các bài nghiên cứu để đăng tạp chí)
  4. Có khả năng là một ứng cử viên mạnh khi ra thị trường lao động (có khả năng kiếm được việc tốt)

Vì các lý do hiển nhiên, tôi tin rằng yếu tố (1) không phải thứ người đọc bài này quan tâm và nên quan tâm. Như tôi đã đề cập ở phần trước, các chương trình PhD tử tế ở Mỹ nhìn chung sẽ không tiếc tiền đầu tư cho nghiên cứu sinh một mức sống cơ bản.

Yếu tố (2) đã được thể hiện qua các tiêu chí sàng lọc ngặt nghèo bao gồm các môn toán và điểm thi gre.

Như vậy, chủ yếu chúng ta muốn đánh tín hiệu về (3) và (4). Hai yếu tố này thường sẽ tương quan với nhau, nhưng đây cũng là hai yếu tố rất khó đánh giá và là thử thách lớn đối với ban tuyển sinh. Điều đó dẫn đến trạng thái cân bằng như hiện nay: _các bức thư giới thiệu là thành phần mang tính quyết định nhất trong hồ sơ_ Jones et al. (2020) phỏng vấn những người điều phối trong ban tuyển sinh và hơn 80% trong số này nói rằng thư giới thiệu là “cực kỳ quan trọng”, cao hơn bất kỳ yếu tố nào khác. . Nếu như người viết LoR cho bạn là một kinh tế gia có tên tuổi, đã có quá trình làm việc sát sao với bạn và có những nhận định chắc chắn về khả năng thành công của bạn, thì đó là tín hiệu rất mạnh cho một sinh viên PhD tiềm năng.

Nói không ngoa, lên chiến lược để vào được PhD tức là lên chiến lược để có được những lá thư giới thiệu tốt.

Có một số chiến lược để tiếp cận những lá thư giới thiệu:

Chiến lược 1: Thư giới thiệu từ giáo sư
Đây là cách truyền thống để xin thư giới thiệu: Tiếp cận một giáo sư mà bạn đã có thiện cảm trong quá trình học và làm việc cùng.

Trên thực tế, bạn nên có ít nhất là một thư từ giáo sư đã dạy bạn, kể cả nếu thư không quá mạnh. Lá thư này có thể soi chiếu vào quá trình học hành của bạn, khiến cho hồ sơ bớt đi một điểm yếu. Điểm gpa ở Mỹ thì lâu nay đã bị lạm phát phi mã, mà ở các nước khác thì mỗi nơi có một cách chấm điểm riêng nên ban tuyển sinh dễ nghi ngờ khi thấy vấn đề nhỏ với bảng điểm (ví dụ: hồi năm nhất bạn mải chơi nên có một chiếc điểm B). Có một bức thư viết về sự thông minh sáng láng và kỷ luật học hành của bạn sẽ khiến ban tuyển sinh bớt lung lay mà loại hồ sơ của bạn đi uổng phí.

Tuy nhiên, bạn cần tới 3 lá thư giới thiệu. Nếu mà cả 3 thư này được viết bởi giảng viên đại học thì không phải ý hay, bởi vì ở bậc đại học hầu hết mối quan hệ giữa sinh viên và giáo sư hầu như chỉ là dạy học trên lớp và chấm bài tập về nhà. Vì vậy, thư giới thiệu từ thầy cô giáo ở bậc đại học thường nhàm chán và không được coi là thư mạnh.

Ngày nay, hầu như ít có những ứng cử viên có thể đỗ PhD chỉ với bằng bachelor’s, nhất là sinh viên quốc tế. Để có thể tiếp cận được với những thư giới thiệu thực sự có giá trị, có hai con đường: đi học master hoặc đi làm predoc.

Chiến lược 2: Học master’s
Thứ hai là Thạc sỹ đến từ một số trường mạnh trên thế giới, ở các nước châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các trường được coi là “mạnh” khi các giáo sư ở Mỹ biết đến những người ở trường đó. Tôi không nắm rõ danh sách các trường này, nhưng qua việc đọc hồ sơ của các sinh viên PhD, tôi ước chừng chỉ có dưới 20 trường như vậy (London School of Economics, Paris School of Economics, Barcelona School of Economics, Tokyo University,…).

Đối với sinh viên quốc tế, đây là cách hữu hiệu để chuẩn bị kiến thức cho PhD (các chương trình thạc sỹ tốt đều dạy toán ở cấp độ PhD). Cấp độ thạc sỹ cũng được coi là có trình độ nhất định nên có thể tiếp cận các hoạt động nghiên cứu và xin thư giới thiệu mạnh hơn. Điểm yếu của chiến lược này là đắt đỏ: không có nhiều các chương trình thạc sỹ đi cùng với học bổng.

Trong khoảng vài chục năm gần đây, nội bộ ngành kinh tế học đã trải qua một cuộc bể dâu lớn. Một cuộc cách mạng về tính tin cậy (Angrist and Pischke 2010) đã kéo bộ môn kinh tế học về phía thực nghiệm nhiều hơn thay vì lý thuyết thuần tuý. Kết hợp với sự bùng nổ dữ liệu trong thời đại thông tin, hiện nay có một lượng cầu lớn đối với công tác xử lý dữ liệu trong kinh tế học. Điều này góp phần hình thành nên một phương thức thứ ba để tiếp cận các lá thư giới thiệu: làm trợ lý nghiên cứu cho các kinh tế gia trong các dự án khoa học thực nghiệm. Người ta gọi vị trí nghiên cứu này là nghiên cứu trước tiến sỹ (pre-doctoral research, hay ngắn gọn là predoc).

Chiến lược 3: Đi làm predoc
Nói ngắn gọn, predoc là làm trợ lý nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu ở Mỹ trước khi đi học PhD để lấy kinh nghiệm và (chủ yếu là) tiếp cận thư giới thiệu. Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn trong cái faqs này.

Cơ chế predoc mới thành hình gần đây, nhưng nó nhanh chóng được tiếp nhận và phần nào được chuẩn hoá. Đã có những tổng hợp đăng tuyển trên nber, trang predoc.org hay thậm chí là kênh Twitter. Predoc là đi làm chứ không phải đi học. Làm predoc thì không được nhận bằng, nhưng được nhận lương. Công việc chủ yếu đối với predoc là xử lý dữ liệu sử dụng ngôn ngữ lập trình R hay Python, và xây dựng mô hình kinh tế lượng sử dụng Stata.

Trong vài năm gần đây số lượng predoc đã nhanh chóng bùng nổ, và cũng đang sớm bão hoà. Nếu như vài năm trước, predoc còn được kháo nhau là “cửa sau” để được vào các chương trình PhD tinh hoa (top 10), thì đến thời điểm viết bài này, nó không còn là tấm vé thông hành chắc chắn như vậy nữa Mới chỉ gần chục năm trước việc làm ra cho Raj Chetty còn được kháo nhau là ‘playbook’ để vào được Havard/mit. Nhưng hiện tại có lẽ đã khác. Năm vừa rồi tôi biết một bạn người Việt đỗ ở một trường top 25 và quyết định đi làm pre-doc thay vì học trường đó. Bạn đó nói đó là một lựa chọn rủi ro. Chưa chắc sau 2 năm nữa một cái predoc đã đủ để đặt bạn ấy vào một trường top 25 như vậy. . Lý do là bởi vì có quá nhiều predoc tập trung ở một số nhỏ các giáo sư ở trường tốp đầu. Một bức thư giới thiệu của Raj Chetty hay Acemoglu thì mạnh thật đấy, nhưng khi lab của những người này có tới hơn hàng chục predoc tốt nghiệp mỗi năm (như tin đồn) thì thật khó để các giáo sư này chọn ra một hai người để viết thư giới thiệu.

Đương nhiên, một khi predoc trở thành một công thức, nó sẽ sản xuất ra những bức thư giới thiệu đầy tính công thức. Ban tuyển sinh PhD hiểu điều đó và họ đang luôn tìm kiếm các phương pháp khác để đánh giá các ứng viên. Cùng với sự vận động trong ngành kinh tế học là sự thay đổi trong quan điểm tuyển sinh.

Đó là lý do tôi cho rằng SoP đang dần trở nên quan trọng hơn, nhất là khi bạn đi xuống những trường hạng thấp hơn. Lý do là bởi vì các trường top đầu (ví dụ: top 15) đều có quy mô lớn hơn, nhiều giáo sư hơn và vì thế sẽ mạnh ở hầu hết các khía cạnh trong kinh tế học. Ngược lại, các trường ở hạng thấp hơn có quy mô nhỏ hơn, vì thế họ sẽ quan tâm đến việc tìm kiếm PhD sao cho phù hợp và tìm kiếm tín hiệu ở trong SoP, nơi ứng viên có thể trình bày lĩnh vực hay ý tưởng mà họ định theo đuổi.

Lên kế hoạch cho dài hạn

Đọc những phần trên, có thể bạn đã thấy: Để vào được PhD trong kinh tế học cần có một chiến lược dài hạn.

Chọn trường để học

Chuyên ngành tốt nhất cho chặng đường vào PhD là toán+kinh tế. Thực tế, tôi thấy các bạn du học sinh Mỹ mà tôi biết hầu như đều học song ngành kinh tế học và toán.

Lựa chọn tốt nhất là học cử nhân ở các trường top ở Mỹ. Nếu bạn học cử nhân ở một trường top 10 (mit, Harvard, Stanford, Princeton, Columbia, Yale, Berkeley, Chicago, Northwestern, nyu) thì đó đã là một khởi đầu rất thuận lợi. Ngoài những trường đầu chóp như vậy ra, tôi không nghĩ thương hiệu trường là yếu tố quan trọng nữa. Bạn đi học ở một trường nhỏ ở Mỹ, hay trường lớn ở Pháp, Nhật, Hàn hay Việt Nam, tôi nghĩ điểm xuất phát của bạn là gần giống nhau.

Ở Việt Nam, trong hệ đào tạo chính quy, tôi nghĩ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (neu) hay Trường Đại học Kinh tế tp. Hồ Chí Minh (ueh) là lựa chọn tốt nhất ở hai miền, cung cấp đầy đủ kiến thức cho bạn cả về kinh tế học lẫn toán. Ngoài ra khoa Toán Kinh tếneu (nơi mà tôi học ở bậc đại học) đào tạo toán và kinh tế lượng ở mức độ nghiêm mật mà tôi chưa thấy có ở trường nào khác trong nước.

Khi ra trường, bạn không cần thiết phải vội vàng tìm cách đi du học thạc sỹ. Hãy cân nhắc chọn học ở các trường đã có truyền thống đặt sinh viên vào PhD. Đôi khi, kể cả chất lượng các trường có tiếng ở châu Âu cũng chưa chắc đã tốt. Cách tổ chức nhiều chương trình master’s ở châu Âu là giống như một cái bachelor’s kéo dài. Nếu không được dạy nội dung ở bậc PhD và thiếu cơ hội tiếp cận thư giới thiệu, những chương trình như vậy sẽ không đưa bạn đến gần PhD hơn.

Hãy cố gắng thu thập thông tin trước khi đưa ra quyết định. Một điểm lợi ở Việt Nam là cử nhân mới ra trường cũng có thể thi tuyển vào các vị trí nghiên cứu hoặc trợ lý nghiên cứu, vì vậy bạn có thể đi làm để cân nhắc sở thích của bản thân, cũng như mở rộng các mối quan hệ có thể đưa mình đi xa hơn.

Đi học

Ở bậc đại học, bạn cần sưu tập đủ các môn toán cần thiết. Nếu trường đại học không cung cấp đủ toán cho bạn thì có thể sẽ phải bổ sung thêm ở bậc thạc sỹ. Nắm chắc các khái niệm Đại số, Giải tích và các môn liên quan đến Tối ưu hoá sẽ giúp bạn dễ thở hơn nhiều khi tập đọc các nghiên cứu đầu ngành, là bước đầu để bạn nắm được hình hài chung của ngành kinh tế học.

Một thứ rất đáng làm đối với các bạn sinh viên kinh tế là học lập trình và xử lý dữ liệu. Hầu như sinh viên khối ngành kinh tế đều được học môn Kinh tế lượng cùng phần mềm Stata, và bạn nên nắm chắc những kiến thức này. Khả năng làm sạch dữ liệu, webscraping hay phân tích văn bản sử dụng R và Python cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bạn. Dù bạn có dự định theo đuổi công việc nghiên cứu hay không, đây cũng là những kỹ năng hữu ích cho giới trẻ hiện đại.

Networking

Hãy học cách xây dựng mạng lưới quan hệ. Thường xuyên có mặt trên lớp và tạo ấn tượng tốt với các thầy cô giáo của mình. Hãy làm việc một cách chuyên nghiệp. Làm việc chuyên nghiệp, theo ý hiểu của tôi, về bản chất là gây dựng lòng tin: khi một ai đó giao việc cho mình, họ biết chắc chắn là mình sẽ hoàn thành kịp thời với chất lượng tốt. Networking, về cơ bản, là học cách gây dựng lòng tin. Điều này áp dụng không chỉ trong môi trường học thuật mà là trong mọi công việc.

Trong mạng lưới của những người bạn tin tưởng và tin tưởng bạn, sẽ có những quý nhân – là những người sẽ tạo ra thay đổi to lớn đối với cuộc đời của bạn. Đây là những người sẽ chỉ bạn đi đúng đường tốt hơn bài viết này có thể rất nhiều.

Phần cuối: Tôi đã làm gì

Trong phần này
Tản mạn chuyện cá nhân.

Khi tôi vào đại học, khoa Toán Kinh tế ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn không phải lựa chọn đầu của tôi mà chỉ là lựa chọn dự phòng sau khi trượt từ một khoa khác. Hai năm học đầu tiên, tôi vừa học vừa chơi bời nhăng cuội. Đến năm thứ ba tôi xin thực tập ở một công ty về phân tích dữ liệu. Lúc đó tôi đã nghĩ là sẽ theo đuổi cái ngành gọi là “data science”. Vào năm 2016, đó là một từ khoá thời thượng.

Tôi lập trình khá giỏi và tôi thích làm cái đó, nhưng tôi không thích viễn cảnh sẽ ngồi cặm cụi làm thợ viết code trong nhiều năm. Nếu cứ làm thứ mình giỏi nhất, tôi cảm thấy mình sẽ mắc kẹt trong một cái cực trị địa phương, và tôi cần thay đổi sang một cái gì đó khác hẳn để tầm nhìn rộng ra. Vì vậy, tôi đến gặp cô giáo hướng dẫn đề tài đại học và xin lời khuyên đi du học. Cô nói rằng đi du học thì dễ, nhưng để học ở trường tốt thì cần có kinh nghiệm nghiên cứu. Cô giới thiệu tôi đến một viện nghiên cứu ở Trường đại học Kinh tế - đại học quốc gia Hà Nội (ueb). Đó là năm 2017.

Làm việc ở viện, tôi cố gắng tham gia những dự án mà tôi thấy thú vị. Kể cả những dự án không thú vị mà tôi bắt buộc phải thực hiện, tôi cũng cố gắng đem yếu tố cá nhân vào trong đấy. Nếu công việc là phải xử lý số liệu, tôi sẽ tranh thủ học R hay Python. Nếu công việc là phải vẽ đồ thị, tôi sẽ tìm cách thiết kế một cái đồ thị thật đẹp. Nếu công việc là phải viết đi viết lại một loại báo cáo theo mẫu có sẵn, tôi sẽ tìm cách tự động hoá nó.

Làm việc một mình một kiểu sau một thời gian, tôi nhận ra rằng thật hữu ích nếu như mình có một cái “brand”, và tôi sẽ làm việc xoay quanh cái brand đó. Brand của tôi là một thằng nghiên cứu viên với hiểu biết trên trung bình về lập trình và máy tính. Vì vậy, khi công việc liên quan đến những lĩnh vực đó, tôi cố gắng thực hiện một cách tốt nhất có thể. Những thứ không phải brand của mình – bao gồm như nhiều chủ đề trong kinh tế học, hay về cách nghiên cứu và viết lách – tôi cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt.

Tôi nhận ra mình thích kinh tế học. Đây là một môn khoa học xã hội nên có nhiều người viết sách hay để đọc, nhiều thảo luận thời sự để follow. Môn này sử dụng nhiều toán nhưng không đến mức phải cày bể não ra để học. Các mô hình toán trong kinh tế học giống như là công cụ để kể những câu chuyện ngụ ngôn logic, làm sáng tỏ tri kiến về cách mà xã hội vận hành. Ngoài ra, làm nghiên cứu trong kinh tế học thì khá độc lập (thích chủ đề nào thì làm, thích làm với ai thì tự kết nối), không phải cặm cụi ngày đêm trong lab (không phát điên), triển vọng công việc nhìn chung là cũng tốt (không tuyệt vọng). Tôi quyết định sẽ đi học nghiêm túc, với đích nhắm là PhD.

Năm 2018, tôi được tham gia vào một dự án phối hợp với một đội nghiên cứu ở uk. Dẫn dắt đề tài là một giáo sư người Ukraine. Mọi người ai cũng bảo là tôi nên theo học ông giáo sư chủ trì dự án đó, nhưng ông nói với tôi (và tôi dịch lại): “Tao muốn kéo mày sang đây học. Nhưng tao đoán là mày sẽ muốn đi Mỹ cơ.” Sau đó, tôi quyết định là tôi muốn học PhD ở Mỹ và chuẩn bị cho nó.

Cuối năm 2020, cô giáo thời đại học kết nối tôi với một đội nghiên cứu ở World Bank. Từ dự án đó, tôi xin được hai bức thư giới thiệu chất lượng, cùng với thư của cô giáo thời đại học là ba. Tôi nộp PhD vào cuối năm 2021 và đỗ vài trường, trong đó Đại học Washington ở St. Louis có vẻ là trường phù hợp nhất.

Nếu như bạn có xuất phát điểm giống tôi khi tốt nghiệp bằng cử nhân ở Việt Nam, điểm bất lợi của bạn khi nộp PhD là thiếu mạng lưới. Vào thời điểm này số người Việt Nam đi học PhD trong lĩnh vực kinh tế học ở Mỹ có thể đếm trên đầu ngón tay, không như những ngành khoa học kỹ thuật (stem) là nơi mà cộng đồng nghiên cứu sinh người Việt đã có nhiều người theo học và đỗ đạt cao. Sự thiếu vắng mạng lưới của những người đi trước hỗ trợ khiến cho những cơ hội, dù có, lại không đến được với những bạn trẻ có khả năng và đam mê môn này.

Nhưng nếu tôi đến được đây, thì nhiều người cũng sẽ đến được. Tôi không sở hữu độc quyền một lợi thế nào nào mà không ai khác có thể có. Tôi không có định hướng ngay từ đầu, chỉ vừa đi vừa mò mẫm. Nếu một ai đó có đầy đủ thông tin từ sớm thì có thể sẽ còn làm tốt hơn tôi nhiều. Đó là lý do tôi viết bài này.

Chúc bạn đọc may mắn. Work hard and be kind to yourself.


Các nguồn thông tin khác

Các đường link và trích dẫn trong bài hầu như đều sẽ được đưa vào phần ghi chú bên lề để tiện tìm kiếm. Ngoài ra, trong mục này, tôi sẽ bổ sung thêm nếu thấy có tài liệu gì hữu ích.

Bằng tiếng Việt

  • Bạn Nguyễn Việt Hải Triều, người sẽ đến uc Santa Barbara năm nay, chia sẻ nhiều thông tin hay (link), từ góc nhìn của một us bachelor nộp thẳng vào PhD, không qua masters hoặc pre-doc. Trong bài đó có nhiều thông tin mà ở đây không có.

Bằng tiếng Anh

Hầu hết những nội dung bằng tiếng Anh trên mạng được viết nhắm đến các sinh viên bậc Đại học ở Mỹ. Nếu bạn không nằm trong tập đối tượng này, hãy chọn lọc chỉ những thông tin hữu ích trong đó.

  • Bài blog này của Noah Smith (link) là thứ đầu tiên tôi đọc về PhD kinh tế học, và tôi thấy nó vẫn còn hữu ích.
  • Hiệp hội Kinh tế Mỹ có tổng hợp nhiều tài liệu hữu ích trên website của họ: link.

Các diễn đàn

Hãy cẩn thận vì thông tin ở các diễn đàn ẩn danh đều không kiểm chứng được.

  • VietPhD.org: nhóm riêng tư nơi có cộng đồng người Việt lớn. Rất hữu ích.
  • Hai diễn đàn lớn nhất đối với những người ứng tuyển PhD kinh tế học là Urch ForumsTheGradCafe. Có lẽ đây cũng là hai diễn đàn tổng hợp nhiều thông tin (có khả năng là) hữu ích nhất.
  • Các subreddit: r/academiceconomicsr/gradadmissions. Lúc ôn thi gre tôi cũng tham khảo r/gre.
  • econjobrumors.com: ở đây có rất nhiều troll và văn hoá tranh luận rất độc hại. Ngoài ra tôi thấy điều hướng trong trang này không thuận tiện nên khó tìm được thông tin cần thiết.

References

Angrist, Joshua D., and Jörn-Steffen Pischke. 2010. “The Credibility Revolution in Empirical Economics: How Better Research Design Is Taking the Con out of Econometrics.” Journal of Economic Perspectives 24 (2): 3–30. https://doi.org/10.1257/jep.24.2.3.
Athey, Susan, and Michael Luca. 2019. “Economists (and Economics) in Tech Companies.” Journal of Economic Perspectives 33 (1): 209–30. https://doi.org/10.1257/jep.33.1.209.
Becker, Gary S., William H. J. Hubbard, and Kevin M. Murphy. 2010. “Explaining the Worldwide Boom in Higher Education of Women.” Journal of Human Capital 4 (3): 203–41. https://doi.org/10.1086/657914.
Card, David, Stefano DellaVigna, Patricia Funk, and Nagore Iriberri. 2022. “Gender Gaps at the Academies.” Working Paper. Working Paper Series. September 2022. https://doi.org/10.3386/w30510.
Conley, John P., and Ali Sina Önder. 2014. “The Research Productivity of New PhDs in Economics: The Surprisingly High Non-success of the Successful.” Journal of Economic Perspectives 28 (3): 205–16. https://doi.org/10.1257/jep.28.3.205.
Freeman, Richard B. 1999. “It’s Better Being an Economist (But Don’t Tell Anyone).” Journal of Economic Perspectives 13 (3): 139–45. https://doi.org/10.1257/jep.13.3.139.
Jones, Adam, Peter Schuhmann, Daniel Soques, and Allison Witman. 2020. “So You Want to Go to Graduate School? Factors That Influence Admissions to Economics PhD Programs.” The Journal of Economic Education 51 (2): 177–90. https://doi.org/10.1080/00220485.2020.1731385.

Cảm ơn chị Quỳnh Ruby đã đọc soát lỗi chính tả cho bài này.